Làn sóng nhà đầu tư mới “đổ bộ” vào chứng khoán cách đây hơn 2 năm đã mở ra cơ hội phát triển lớn chưa từng thấy đối với các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là thách thức lớn đến từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này đòi hỏi các các CTCK phải có nguồn lực đủ dồi dào để không hụt hơi trong cuộc đua giành thị phần.
Vì thế, không bất ngờ khi hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trở thành xu hướng phổ biến trong nhóm các CTCK thời gian gần đây. Điển hình như thương vụ VPBank mua 97,4% cổ phần của Chứng khoán ASC và đổi tên thành Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). CTCK này sau đó đã tăng vốn khủng lên hơn 8.900 tỷ đồng và đang có kế hoạch tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh kinh doanh quý 3 cho thấy doanh thu công ty gấp hơn 10 lần cùng đạt gần 287 tỷ nhờ các hoạt động đều được mở rộng. Trừ chi phí vốn, công ty báo lãi gần 177 tỷ đồng, tốt hơn rất nhiều so với con số lỗ hơn 300 triệu cùng kỳ khi chưa đổi chủ. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, VPBank Securities ghi nhận mức lãi sau thuế gần 251 tỷ đồng, gấp tới 78 lần cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, Chứng khoán DSC (DSC) cũng tiến hành đổi chủ từ cuối năm 2020 khi xuất hiện 3 cổ đông cá nhân lớn nắm giữ 75% vốn. Hậu “thay máu”, DSC tiếp tục phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư, nhằm tăng vốn điều lệ gấp 16 lần lên 1.000 tỷ đồng. Sau thương vụ này, CTCP Đầu tư NTP chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của DSC nắm quyền kiểm soát 70% vốn.
Với tiềm lực mạnh của công ty mẹ, tình hình kinh doanh của DSC đã khởi sắc rõ rệt, tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của DSC đạt 1.809 tỷ đồng, cao gấp 26 lần so với đầu năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, DSC ghi nhận 58 tỷ đồng doanh thu, gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái; gần 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ lỗ 1,8 tỷ đồng). Tài sản cũng tăng từ 1.809 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.077 tỷ đồng.
Nguồn: Markettimes.vn
Kết nối với chúng tôi