Quản trị rủi ro là gì? Tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong doanh nghiệp
“Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm. Nếu không có kế hoạch đối phó, những biến động bất ngờ dễ khiến cuộc sống chúng ta chao đảo, hoặc ngược lại, không khai thác được tối đa những cơ hội tiềm ẩn. Mức độ kiểm soát và xử lý rủi ro của một người càng tốt, càng cho thấy mức độ trưởng thành và vững vàng của người đó.
Trong đầu tư cũng vậy, ai cũng muốn mua cổ phiếu của những doanh nghiệp không chỉ oai phong lẫm liệt những lúc thuận buồm xuôi gió mà còn vững tay chèo ngay khi sóng cả. Vì vậy, quản trị rủi ro là một yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá được mức độ vững vàng của doanh nghiệp.
DSC sẽ cùng bạn tìm hiểu về cách đánh giá khả năng quản trị rủi ro của doanh nghiệp mà mình quan tâm trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Quản trị rủi ro (Risk management) là gì?
Rủi ro là những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, gây ảnh hướng hoặc tích cực hoặc tiêu cực tới doanh nghiệp. Quản trị rủi ro là hệ thống quy trình xác định, phân tích và ứng phó với rủi ro - vốn là một phần không thể tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quản trị rủi ro hiệu quả nghĩa là dự đoán càng nhiều càng tốt các “tình huống bất ngờ” trong tương lai và kiểm soát ảnh hưởng của chúng . Như vậy, quản trị rủi ro bao gồm cả 2 yếu tố: hạn chế khả năng rủi ro xảy ra và xử lý tác động khi rủi ro gây ra.
Tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong doanh nghiệp
Tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro không chỉ nằm ở việc giúp doanh nghiệp hạn chế các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu mà còn giúp doanh nghiệp đó nắm bắt, khai thác triệt để các cơ hội để đạt mục tiêu tốt hơn, hoặc thậm chí thực hiện được những bước nhảy vọt.
Cụ thể, một doanh nghiệp có hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp sẽ sở hữu những ưu điểm sau:
-
Đảm bảo hoạt động vận hành, kinh doanh ổn định, luôn nằm trong tầm kiểm soát, tránh khỏi tác động lớn từ những biến động kinh tế, rủi ro ngoài doanh nghiệp;
-
Giảm thiểu các trách nhiệm pháp lý phát sinh không đáng có;
-
Tạo môi trường làm việc an toàn và tin tưởng cho nhân viên;
-
Cải thiện an ninh và an toàn tại nơi làm việc cho nhân viên và khách hàng;
-
Tạo khác biệt cạnh tranh trên thị trường.
Phân loại rủi ro trong quản trị doanh nghiệp
Rủi ro thị trường (Market Risk)
Rủi ro thị trường (hay còn gọi là rủi ro hệ thống) là rủi ro khách quan, ảnh hưởng tới toàn bộ cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường nói chung. Một số nguyên nhân gây ra rủi ro thị trường có thể là: lạm phát, lãi suất, chu kỳ kinh tế, bất ổn chính trị, chiến tranh, dịch bệnh,... Loại rủi ro này không thể tránh khỏi mà chỉ có thể đề phòng.
Rủi ro thanh toán
Rủi ro thanh toán (thuộc loại rủi ro hệ thống) là rủi ro mà việc thanh toán trong hệ thống chuyển nhượng diễn ra không như mong đợi. Rủi ro thanh toán bao gồm cả rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản.
Rủi ro công nghệ thông tin
Rủi ro công nghệ thông tin (thuộc loại rủi ro phi hệ thống) là rủi ro chủ quan, gây ra tổn thất khi thực hiện các hoạt động liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin. Rủi ro này liên quan đến việc sử dụng phần cứng, phần mềm, truyền thông, giao diện hệ thống, vận hành và con người. Rủi ro này có thể kiểm soát được bằng việc cải thiện, nâng cấp kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Rủi ro uy tín - thương hiệu
Rủi ro uy tín - thương hiệu (thuộc loại rủi ro phi hệ thống) là rủi ro chủ quan của chính doanh nghiệp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chính hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp đó trên thị trường.
Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về loại rủi ro này ở cả hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng, hoạt động bất chính, gây hại cho con người, môi trường xã hội. Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp bỏ công xây dựng thương hiệu nhưng không bảo hộ, để cho đối thủ đánh cắp, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo Warren Buffett, tất cả chúng ta đều tin rằng kinh doanh và đầu tư có rủi ro nhưng lại không chuẩn bị cho điều này. Rủi ro luôn tỉ lệ nghịch với mức độ hiểu biết của nhà đầu tư. Vì vậy, hãy tìm hiểu thị trường, thông tin quản trị rủi ro của doanh nghiệp mình đầu tư từ nguồn thông tin cậy, để đưa ra những quyết định đầu tư chính xác.