

Hướng dẫn xây dựng chiến lược đầu tư chứng khoán hiệu quả cho người mới bắt đầu
Chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn do có lợi suất và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, để đầu tư cổ phiếu hiệu quả và bảo toàn được vốn, nhà đầu tư mới tham gia thị trường cần tham khảo và học hỏi rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. Trong bài viết này, DSC sẽ trình bày về các bước có thể giúp bạn “làm chủ” được bản thân và sinh lời bền vững trên thị trường chứng khoán.
Xác định khẩu vị rủi ro, đặt mục tiêu kỳ vọng
Trước tiên, hãy xác định khẩu vị rủi ro và lợi suất kỳ vọng đối với việc đầu tư chứng khoán của riêng mình. Lựa chọn các khoản đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn trong việc đầu tư, tránh được các bẫy tâm lý thường gặp như tâm lý bầy đàn, tâm lý sợ thua lỗ,…
Ví dụ: anh A năm nay 20 tuổi và đầu tư vào một cổ phiếu ngành nước trả cổ tức đều đặn, ổn định hàng năm nhưng không đầu tư dự án gì mới và doanh thu, lợi nhuận giữ nguyên. Mặc dù đây là một khoản đầu tư khá bền vững, anh A cảm thấy không thoải mái vì lợi suất không cao và không giúp anh trở nên giàu có. Thay vào đó, anh A nên tìm kiếm những doanh nghiệp năng động hơn, phù hợp với khẩu vị, sở thích của anh.
Ông B năm nay đã 70 tuổi. Ông được cố vấn khuyên đầu tư vào một cổ phiếu ngành công nghệ có một dự án công nghệ rất tiềm năng với mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp này không thành công, rất có thể cổ phiếu doanh nghiệp này sẽ giảm sâu do tâm lý thất vọng của nhà đầu tư. Ông B rất lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì sợ rằng doanh nghiệp này có thể sẽ không thành công và mình sẽ mất một khoản lương hưu tiết kiệm về già. Vậy thay vì đầu tư vào cổ phiếu này, ông B nên chọn những cổ phiếu bền vững hơn, có tính an toàn hơn.
Đầu tư thời gian để nghiên cứu doanh nghiệp
Trước khi ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần đánh giá doanh nghiệp một cách cẩn trọng từ các yếu tố như ban lãnh đạo, tăng trưởng của ngành, sức khỏe tài chính,... và xác định những luận điểm của mình đối với khoản đầu tư đó. Những luận điểm này sẽ đóng vai trò “kim chỉ nam” cho các hành động mua/bán cổ phiếu sau này.
Ví dụ: anh A đầu tư vào doanh nghiệp XXX thuộc ngành bán lẻ với luận điểm:
1. Định giá rất rẻ, với P/E forward bằng 4 lần, trong khi P/E trung bình 5 năm là 12 lần (P/E là chỉ số định giá, P/E càng thấp nghĩa là doanh nghiệp càng rẻ);
2. Tăng trưởng rất cao do hồi phục từ đại dịch.
Trong các điều kiện bình thường, nếu như có các yếu tố nào ảnh hưởng tới luận điểm này, ví dụ như thói quen người tiêu dùng sau đại dịch thay đổi, yếu tố tăng trưởng không còn nữa, anh A sẽ cân nhắc quyết định bán cổ phiếu này. Tuy nhiên, nếu như có yếu tố mới xảy ra nhưng không ảnh hưởng tới các luận điểm này, ví dụ như doanh nghiệp XXX dính khủng hoảng truyền thông, mặc dù yếu tố này ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp nhưng anh A đánh giá rằng nó sẽ kết thúc sớm và doanh nghiệp sẽ sớm hoạt động bình thường, anh A sẽ không bán cổ phiếu mà thậm chí còn cân nhắc mua thêm nếu như giá cổ phiếu giảm mạnh.
Học hỏi và tích lũy kinh nghiệm
Mỗi khoản đầu tư thành công, thậm chí thất bại đều chứa đựng những bài học quý báu mà bạn có thể sử dụng để cải thiện phương pháp đầu tư của mình. Ngoài ra, việc tham khảo quan điểm từ các chuyên gia, nhân viên tư vấn của các công ty chứng khoán có thể sẽ giúp bạn tìm thấy cơ hội đầu tư tuyệt vời có mức sinh lợi cao.
Trên đây là 3 bước cơ bản cho nhà đầu tư mới bắt đầu tham gia thị trường giúp nhà đầu tư chuẩn bị một chiến lược đầu tư chứng khoán hiệu quả. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể phần nào hiểu được những gì mình cần làm để có thể thành công trong việc đầu tư cổ phiếu hiệu quả.









