Nhà đầu tư F0 cần chuẩn bị gì trước khi giao dịch chứng khoán?
Thông thường, mọi người sẽ bắt đầu bằng sử dụng một phần hoặc phần lớn tiền tiết kiệm của mình để đi đầu tư khi nghe thấy bạn bè, người thân đang kiếm được tiền từ chứng khoán. Thậm chí, sau một thời gian đầu thuận lợi, không ít người sử dụng thêm đến vốn đi vay. Bài viết dưới đây DSC sẽ hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu.
Mọi người thường không lên một kế hoạch tài chính rõ ràng, dẫn đến việc sau một khoản thời gian, việc đầu tư ảnh hưởng đến các kế hoạch tài chính, thu nhập khác. Việc đầu tư khi đó sẽ không thực sự hiệu quả. Khi đầu tư chứng khoán, bạn sẽ thường được nghe "không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ". Việc đầu tư chứng khoán cũng chỉ là một trong những cái giỏ trong rất nhiều kế hoạch đầu tư của bạn với tư cách cá nhân. Các giỏ khác có thể là đầu tư bất động sản, tiết kiệm mua nhà, học phí đại học, vân vân. Bạn không nên để tất cả tiền của bạn vào một giỏ là chứng khoán được đúng không?
Vì thế, việc đầu tư chỉ nên được thực hiện khi bạn có một kế hoạch tài chính cụ thể. Chứng khoán hay bất cứ kênh đầu tư nào, trước khi bắt đầu, bạn nên chuẩn bị kế hoạch cho các việc sau:
Quản lý tài chính cá nhân
Cách tiết kiệm/huy động vốn hiệu quả
Kiến thức đầu tư.
Ví dụ, sẽ an toàn hơn nếu nguồn vốn đầu tư chứng khoán là một phần tiền nhàn rỗi của bạn (tiền nhàn rỗi được hiểu là sẽ không sử dụng đến trong ít nhất 1-2 năm tới). Việc tăng vốn sẽ an toàn hơn nếu bạn trích phần trăm thu nhập hàng tháng thay vì sử dụng hết tiền tiết kiệm và đi vay ngay từ đầu. Tỉ lệ phần trăm sẽ khác nhau tùy vào thu nhập và sức khỏe tài chính từng cá nhân nhưng điều đó sẽ giúp bạn tăng trưởng tài sản đồng đều hơn ở các kênh.
Trong một số trường hợp, bạn không nên hoặc chưa nên đầu tư nếu:
Bạn chưa có một khoản dự phòng cho những rủi ro bất khả kháng (bệnh tật, mất việc,dịch bệnh,...)
Bạn chưa nắm vững những kiến thức cơ bản về đầu tư chứng khoán
Bạn đầu tư chứng khoán với tâm lý kiếm tiền nhanh (áp lực trả nợ hay đơn giản là quá nôn nóng).
Bạn sẽ không có tâm lý vững vàng để đầu tư nếu ở một trong những tình huống trên. Hãy “đầu tư chứng khoán” thay vì "chơi chứng khoán".









