

Vùng bẫy giá là gì? Hướng dẫn phòng tránh và giảm thiểu rủi ro từ các vùng bẫy giá
Phương pháp phân tích kỹ thuật ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến tại thị trường chứng khoán Việt Nam bởi những ưu điểm trong phân tích và độ tin cậy mà phương pháp này mang đến cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên phương pháp này không hề đơn giản và dễ sử dụng như nhiều người tưởng tượng bởi vì xác suất thành công của các quyết định giao dịch sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu các nhà đầu tư mắc phải các vùng bẫy giá. Vậy vùng bẫy giá là gì, hay cùng DSC tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Vùng bẫy giá là gì?
Vùng bẫy giá hay mô hình bẫy giá là cụm từ dùng để chỉ một việc giá bất ngờ đảo chiều xu hướng hiện tại một cách thuyết phục nhằm đánh lừa các nhà đầu tư rằng giá đã đảo chiều, nhưng sau đó nhanh chóng quay lại về xu hướng trước đó.
Phân loại vùng bẫy giá
Bẫy giá chủ yếu gồm 2 loại chính là Bẫy giá tăng (Bull trap) và Bẫy giá giảm (Bear trap).
Bẫy giá tăng (Bull trap)
Bẫy giá tăng thường diễn ra tại các vùng kháng cự, nơi mà các nhà đầu tư sẽ chờ đợi một pha tăng giá, phá vỡ ngưỡng kháng cự và bước vào xu hướng tăng. Tuy nhiên các bẫy giá tăng sẽ tạo ra phiên tăng giá phá vỡ giả nhưng rất thuyết phục, sau đó lại tiếp tục quay đầu giảm mạnh.
Bẫy giá giảm (Bear trap)
Ngược lại với bẫy giá tăng, bẫy giá giảm thường diễn ra tại các vùng hỗ trợ, nơi mà các nhà đầu tư chờ đợi một pha giảm giá, thủng ngưỡng hỗ trợ và bước vào xu hướng giảm. Và vẫn một kịch bản gần tương tự, bẫy giá giảm sẽ tạo ra phiên giảm giá giả nhằm đánh lừa các nhà đầu tư, nhưng ngay sau đó giá cổ phiếu lại bật tăng trở lại.
Cách phòng tránh và giảm thiểu rủi ro từ các vùng bẫy giá
Cách phòng tránh bẫy giá
Sau khi nhận diện được các loại bẫy giá, điều các nhà đầu tư cần làm là có những phương pháp cụ thể nhằm tránh mắc phải những khoản đầu tư gây thua lỗ này. Để có thể thực hiện điều này, các nhà đầu tư cần phải kết hợp việc theo dõi khối lượng giao dịch. Thông thường, nếu giá biến động mạnh nhưng khối lượng giao dịch lại không tăng tương ứng hoặc giảm thì đây có thể được coi là tín hiệu breakout giả, các nhà đầu tư cần cẩn trọng.
Bên cạnh đó, việc cẩn trọng quan sát hành động giá cũng vô cùng cần thiết. Các nhà đầu tư nên chú ý việc mức giá phá vỡ các đường hỗ trợ/kháng cự duy trì ra trong bao lâu và với mức tăng bao nhiêu để đánh giá liệu đây là sự breakout thật hay chỉ là vùng bẫy giá.
Cách giảm thiểu rủi ro khi mắc phải bẫy giá
Khi các nhà đầu tư không may gặp và mắc phải vào những bẫy giá trong phân tích kỹ thuật mà không có những biện pháp quản trị rủi ro thì việc hứng chịu những khoản đầu tư thua lỗ nặng nề hoặc bị mất phần lớn lãi là điều khó tránh khỏi. Một trong những bước cơ bản nhất để quản trị rủi ro đó là sử dụng các lệnh chốt lời và lệnh cắt lỗ.
Lệnh cắt lỗ nên được đặt ngay bên dưới đường hỗ trợ và lệnh chốt lời nên được đặt phía bên trên đường kháng cự, việc này cho phép nhà đầu tư thoát ra khỏi thị trường 1 phần hoặc toàn phần khi có bất kỳ sự đảo chiều nào đó.
Trên đây là bài viết giới thiệu và cách nhận dạng các vùng bẫy giá được sử dụng trong phân tích kỹ thuật. DSC mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ có những kiến thức tổng quát hơn, qua đó kết hợp và ứng dụng 2 phương pháp này thành công trong giao dịch nhé!









